Truy cập nội dung luôn

Bảo tồn gắn với phát triển du lịch làng nghề Bát Tràng: Hướng đi cốt lõi và bền vững

Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, việc bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống Hà Nội đang trở thành một trong những nhiệm vụ cấp thiết. Đối với làng gốm Bát Tràng – một trong những làng nghề nổi tiếng nhất cả nước – bài toán bảo tồn gắn liền với phát triển du lịch được xem là hướng đi cốt lõi và bền vững.

Nghệ nhân làng nghề Bát Tràng say sưa sáng tạo sản phẩm bình gốm. Ảnh: VGP/DA

Làng nghề – Di sản sống cần được bảo vệ

Làng gốm Bát Tràng, với lịch sử hơn 700 năm, không chỉ nổi tiếng bởi những sản phẩm gốm tinh xảo mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của người Việt. Tuy nhiên, áp lực của đô thị hóa, sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng và nguy cơ mai một các kỹ thuật làm gốm cổ truyền đang đặt ra nhiều thách thức.

Xã Bát Tràng hiện nay có khoảng 200 doanh nghiệp, hơn 1.000 hộ sản xuất kinh doanh gốm sứ giải quyết cho hơn 8 vạn lao động mỗi ngày. Bên cạnh việc đón nhận lượng lao động lớn Bát Tràng còn đón khoảng 300.000 lượt khách du lịch mỗi năm.

Mô hình "du lịch làng nghề" tại Bát Tràng đã bước đầu ghi nhận những tín hiệu tích cực. Du khách đến đây không chỉ tham quan mà còn được trải nghiệm làm gốm, tìm hiểu quy trình sản xuất và mua sắm sản phẩm thủ công chính gốc. Điều này không chỉ tạo sinh kế cho người dân mà còn góp phần nâng cao giá trị thương hiệu Bát Tràng trên thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Văn H., một nghệ nhân làng nghề chia sẻ: "Chính nhờ du lịch mà sản phẩm Bát Tràng được biết đến nhiều hơn, lớp trẻ cũng bắt đầu quay trở lại học nghề, yêu nghề."

Có thể khẳng định, gốm Bát Tràng đã trở thành thương hiệu, là địa chỉ hàng hóa đã được khẳng định chất lượng trên thị trường trong nước và quốc tế. Nơi đây đã sản xuất ra nhiều sản phẩm độc đáo từ gốm như: Men ngọc, hoa nâu, men rạn, hoa lam… Những đặc trưng của các loại men cùng các họa tiết trang trí đã góp phần tạo nên thương hiệu nổi tiếng của làng.

Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, các chủ thể sản xuất gốm sứ ở Bát Tràng tích cực đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố Hà Nội. Đến nay, Bát Tràng đã có hơn 50 sản phẩm gốm sứ đạt OCOP từ 3 đến 5 sao.

Cùng với chiếm lĩnh phần lớn thị trường tiêu thụ trong nước, gốm Bát Tràng còn được xuất khẩu tới nhiều nước ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ. Nhiều sản phẩm gốm sứ điển hình của Bát Tràng như: Bộ đồ ăn, bình đựng trà, bình hoa, bình hút lộc… được chọn làm quà tặng các đại biểu dự hội nghị, ngày lễ lớn, dịp kỷ niệm trọng đại của huyện, xã…

Một số sản phẩm gốm sứ độc đáo của Bát Tràng. Ảnh: VGP/DA

Chú trọng cải thiện cơ sở hạ tầng, quảng bá sản phẩm

Việc bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch tại Bát Tràng được thành phố Hà Nội coi là vấn đề cốt lõi. Nhờ đó, địa phương đã quy hoạch lại tổng thể, đầu tư đồng bộ về giao thông, kết nối hạ tầng, điện, nước, xây dựng các trung tâm giới thiệu sản phẩm, bảo tàng gốm sứ, quy trình sản xuất…

Tuy nhiên, để bảo tồn và phát triển làng nghề gắn với du lịch một cách hiệu quả, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng nghệ nhân. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, quy hoạch không gian làng nghề, cũng như chính sách hỗ trợ quảng bá sản phẩm… đều cần được chú trọng đầu tư.

Việc bảo tồn làng nghề Bát Tràng không thể chỉ dừng ở gìn giữ cái cũ, mà phải biết làm mới, làm sống lại những giá trị truyền thống trong dòng chảy phát triển của kinh tế du lịch. Đây chính là vấn đề then chốt để hướng tới một mô hình làng nghề bền vững, sáng tạo và có bản sắc.

Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của lãnh đạo và chính quyền các cấp, hoạt động bảo vệ, phát huy di sản văn hoá của Bát Tràng đã bước đầu khởi sắc. Năm 2019, Bát Tràng được công nhận Điểm du lịch của thành phố Hà Nội. Năm 2022, nghề truyền thống gốm làng Bát Tràng được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Năm 2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận "Lễ hội truyền thống Hội làng Bát Tràng là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia"; Bát Tràng là một trong 2 làng nghề đầu tiên của Việt Nam trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo trên toàn thế giới

Vừa qua, Nghị quyết 09 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hoá, lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng đã khẳng định Hà Nội sẽ đi đầu trong công nghiệp văn hóa của cả nước và làng nghề là một trong năm trụ cột trong công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Đây là cơ hội vàng cho làng gốm cổ truyền Bát Tràng trên tinh thần đoàn kết của 19 dòng họ trong làng gốm cổ cùng nhau xây dựng "Bảo tàng sinh thái làng cổ Bát Tràng" trên nguyên tắc người dân là chủ sở hữu, là chủ thể vận hành và người dân tự hưởng lợi…

Để phục vụ tốt nhu cầu của du khách, thời gian qua, làng nghề Bát Tràng đã phối hợp với các công ty công nghệ triển khai du lịch 4.0, số hóa toàn bộ các dữ liệu về điểm di tích, tour du lịch, điểm mua sắm đạt chuẩn, giới thiệu làng nghề bằng nhiều ngôn ngữ, phủ sóng wifi miễn phí tại 19 điểm tham quan tập trung đông khách du lịch, tiến tới phủ sóng trong toàn bộ xã…

Cùng với đó, xã Bát Tràng cũng tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức về hoạt động du lịch cộng đồng cho lãnh đạo, cán bộ và nhân dân để thuyết minh hướng dẫn du khách đến tham quan. Ngoài ra, xã cũng đã khởi động cổng thông tin điện tử và app du lịch Bát Tràng, ra mắt các doanh nghiệp du lịch địa phương; tổ chức hội chợ phiên văn hóa du lịch Bát Tràng…


chinhphu.vn

Cơ quan chủ quản: UBND TỈNH THÁI NGUYÊN

Bản quyền thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên

Trụ sở: Số 18, đường Nha Trang, thành phố Thái Nguyên Email: portal@thainguyen.gov.vn Điện thoại: 0208.3851149 Fax: 0208.3851149

Tổng Biên tập: Tạ Văn Lộc, Giám đốc Trung tâm Thông tin tỉnh Thái Nguyên

Ghi rõ nguồn "thainguyen.gov.vn" khi phát hành thông tin từ website này